Động kinh kháng thuốc là gì? Các công bố khoa học về Động kinh kháng thuốc

Động kinh kháng thuốc là tình trạng y tế khó chữa trong đó các cơn co giật không được kiểm soát hiệu quả bằng thuốc chống động kinh, ảnh hưởng khoảng 30% bệnh nhân. Động kinh kháng thuốc được chẩn đoán khi hai loại thuốc phù hợp được sử dụng không ngăn chặn hoàn toàn cơn co giật. Nguyên nhân bao gồm bất thường của não, yếu tố di truyền và phân phối thuốc. Các phương pháp điều trị như phẫu thuật, kích thích dây thần kinh phế vị, và chế độ ăn ketogenic có thể hỗ trợ. Nghiên cứu tiếp tục để phát triển phương pháp mới, hứa hẹn cải thiện quản lý và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Động Kinh Kháng Thuốc: Tổng Quan và Nhận Định

Động kinh kháng thuốc, hay động kinh khó chữa, là một tình trạng y tế trong đó các cơn co giật không thể được kiểm soát thỏa đáng bằng liệu pháp thuốc chống động kinh. Khoảng 30% bệnh nhân động kinh được chẩn đoán mắc thể này, tạo ra thách thức lớn trong việc điều trị và quản lý cơn bệnh.

Định Nghĩa và Tiêu Chí Chẩn Đoán

Động kinh kháng thuốc được xác định khi hai biện pháp điều trị thuốc chống động kinh (AED) phù hợp, được lựa chọn và sử dụng đầy đủ liều lượng, không mang lại kết quả dừng hẳn các cơn co giật. Các yếu tố như sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân, liều lượng và loại thuốc được sử dụng đều cần được xem xét kỹ càng trước khi đưa ra chẩn đoán này.

Nguyên Nhân Kháng Thuốc

Nguyên nhân chính xác của việc kháng thuốc trong động kinh vẫn chưa được hoàn toàn hiểu rõ, nhưng một số giả thuyết đã được đề xuất, bao gồm:

  • Tính bất thường của não: Những thay đổi trong cấu trúc hoặc chức năng của hệ thần kinh trung ương có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
  • Yếu tố di truyền: Một số gene có thể đóng vai trò trong khả năng đáp ứng thuốc kém.
  • Phân phối thuốc: Khả năng thuốc xâm nhập vào não không như mong đợi cũng có thể là một yếu tố then chốt.

Phương Pháp Điều Trị Khác

Mặc dù động kinh kháng thuốc khá khó khăn trong việc kiểm soát, có một số lựa chọn có thể giúp đỡ:

  • Phẫu thuật động kinh: Một số bệnh nhân có thể hưởng lợi từ phẫu thuật, tùy thuộc vào vị trí và nguyên nhân của cơn co giật.
  • Kích thích dây thần kinh phế vị (VNS): Kỹ thuật này sử dụng một thiết bị cấy ghép để kích thích dây thần kinh phế vị và có thể có tác dụng giảm cơn co giật.
  • Chế độ ăn ketogenic: Chế độ ăn kiêng giàu chất béo và thấp carbohydrate đã được chứng minh là giảm tần suất cơn co giật trong một số trường hợp.

Hướng Tới Tương Lai

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu về cơ chế của động kinh kháng thuốc và phát triển các phương pháp mới để điều trị. Sự phát triển trong công nghệ gen và các phương pháp điều trị cá nhân hóa mở ra những cơ hội mới, hứa hẹn mang lại hy vọng cho những bệnh nhân không thể điều trị bằng phương pháp truyền thống.

Động kinh kháng thuốc tiếp tục là một lĩnh vực nghiên cứu và điều trị đầy thử thách. Với sự tiến bộ không ngừng trong y học và nghiên cứu, tương lai có thể mang lại những giải pháp hiệu quả hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc căn bệnh này.

Danh sách công bố khoa học về chủ đề "động kinh kháng thuốc":

Chế độ ăn sinh Ceton trong điều trị động kinh kháng trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2
Trên thế giới có khoảng 50 triệu người bị động kinh, 30% động kinh bị kháng thuốc. Chế độ ăn sinh ceton có hiệu quả trên một số hội chứng động kinh, đặc biệt là các hội chứng động kinh kháng thuốc ở trẻ em. Xây dựng thực đơn sinh ceton tại Việt nam còn mới và nhiều thử thách. 31 bệnh nhi động kinh kháng thuốc có chỉ định áp dụng thực đơn sinh ceton điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2 từ 9/2019 đến 7/2020, sử dụng các nguồn thực phẩm sẵn có tại Việt nam. Các bệnh nhân được bổ sung vitamin, khoáng chất theo nhu cầu, điều chỉnh các tác dụng phụ đi kèm. Áp dụng được cho 93,5% bệnh nhân (29/31). Tỷ lệ dung nạp là 75,86% (1 tháng), 65,52% (2 tháng) và 62,07% (3 tháng). 37,9% bệnh nhân giảm hơn 50% cơn động kinh sau 3 tháng. Tỷ lệ xuất hiện tác dụng phụ là 44,8%, mức độ nhẹ, không có bệnh nhân ngừng chế độ ăn ketogenic. Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng cấp là 13,8% (ban đầu) và 0% (sau 3 tháng).
#chế độ ăn sinh ceton #thực phẩm sinh ceton #động kinh kháng thuốc
PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ ĐỘNG KINH CỤC BỘ KHÁNG THUỐC Ở TRẺ EM TẠI BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
Mục tiêu: Mô tả một số đặc điểm lâm sàng và đặc điểm tổn thương não gây động kinh ở trẻ động kinh cục bộ kháng thuốc; phân tích hiệu quả sau phẫu thuật dựa trên hệ thống phân loại Engel.Phương pháp: Nghiên cứu hồi cứu được thực hiện trên 102 trẻ dưới 18 tuổi đã được phẫu thuật động kinh kháng thuốc tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ năm 2010 đến 2021 và được theo dõi ít nhất 1 năm sau mổ. Bệnh nhân được tiến hành tiểu phẫu cắt bỏ tổn thương não gây động kinh theo đánh giá trước mổ, theo dõi điện não đồ video, chụp MRI và PET CT trong trường hợp cần thiết.Kết quả: Một số đặc điểm lâm sàng: Nam chiếm tỉ lệ 52,4%, nữ chiếm tỉ lệ 47,6%. Độ tuổi trung bình lúc phẫu thuật: 82,8 tháng. Thời gian trung bình từ khởi phát cơn đến trước phẫu thuật: 51,4 tháng. Độ tuổi trung bình khởi phát động kinh: 33,7 tháng. Đặc điểm động kinh: động kinh cục bộ đơn giản chiếm 33%, động kinh cục bộ phức hợp chiếm 8,3%, cơn cục bộ kết hợp toàn thể hóa thứ phát chiếm 33% và động kinh toàn thể chiếm 25%. Nghiên cứu cho thấy 58,3 % trường hợp có bất thường EEG cùng bên với tổn thương não, 8,3% trường hợp có bất thường đối bên và 33,3% có bất thường ở cả hai bên. Về phương diện giải phẫu, động kinh thùy thái dương chiếm 58,3% động kinh ngoài thùy thái dương và động kinh liên quan nhiều thùy chiếm 41,6%. Về mô bệnh học, loạn sản vỏ não khu trú chiếm 41,6%, khối u giai đoạn sớm 25%,xơ cứng hồi hải mã 8,3%, hội chứng Rasmussen 16,6 % và không điển hình: 8,3 %. Giai đoạn theo dõi sau phẫu thuật, 87 bệnh nhân (83,3%) không còn co giật, theo phân loại Engel’s class IA và IIA. Nhóm động kinh thùy thái dương có kết quả tốt nhất (71,4 % trường hợp có Engel class IA và 28,6% Engel class IIA).Kết luận: Phẫu thuật động kinh là phương pháp hiệu quả trong điều trị động kinh cục bộkháng thuốc.
#động kinh cục bộ kháng thuốc #tổn thương não gây động kinh #đánh giá trước mổ #phẫu thuật động kinh #kết quả phẫu thuật động kinh
12. NGHIÊN CỨU MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐỘNG KINH KHÁNG THUỐC TRẺ EM TẠI NGHỆ AN
Mục tiêu: Xác đinh một số yếu tố liên quan động kinh kháng thuốc ở trẻ em. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 100 trẻ em mắc động kinh gồm 46 nữ (46%) và 54 nam (54%), được chia thành 2 nhóm: nhóm động kinh kháng thuốc (n = 50) và nhóm động kinh đáp ứng thuốc (n = 50). Tiêu chuẩn chẩn đoán theo Hiệp hội chống động kinh thế giới (ILAE 2010). Kết quả: Động kinh kháng thuốc có tiền căn trạng thái động kinh chiếm 30%, co giật sơ sinh chiếm 22%, co giật do sốt chiếm 44% chậm phát triển tâm thần vận động chiếm 92%. Tuổi khởi phát trung bình nhóm động kinh kháng thuốc là 17,3 ± 13 tháng, tần suất cơn co giật trung bình trong 1 ngày 12 ± 8. Động kinh toàn thể chiếm 74% trên cả 2 nhóm nghiên cứu. Có 18 trường hợp được phân loại hội chứng chiếm 18%. Kết quả cận lâm sàng ĐNĐ, MRI não bất thường nhóm động kinh kháng thuốc và đáp ứng lần lượt chiếm 94% và 30%. Phân tích hồi quy kết quả: Co giật tuổi sơ sinh, co giật do sốt, tiền căn trạng thái động kinh, chậm mốc phát triển tâm thần vận động, điện não đồ và MRI bất thường là những yếu tố liên quan đến động kinh kháng thuốc. Kết luận: Bệnh nhân có tiền sử co giật tuổi sơ sinh, tiền sử co giật do sốt, tiền căn trạng thái động kinh, chậm phát triển tâm thần vận động, điện não đồ và MRI não bất thường là những yếu tố nguy cơ liên quan động kinh kháng thuốc.
#Trẻ em #động kinh #động kinh kháng thuốc.
THỰC TRẠNG TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ CỦA TRẺ ĐỘNG KINH KHÁNG THUỐC TẠI KHOA THẦN KINH - BỆNH VIỆN SẢN NHI NGHỆ AN NĂM 2022
Tạp chí Y học Cộng đồng - Tập 63 Số 8 - 2022
Mục tiêu: Tìm hiểu thực trạng tuân thủ điều trị của trẻ động kinh kháng thuốc cũng như một số yếu tố liên quan đến điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Đối tượng-Phương pháp: Mô tả cắt ngang toàn bộ bệnh nhi được chẩn đoán động kinh kháng thuốc theo tiêu chuẩn WHO, đang điều trị thuốc kháng động kinh tối thiểu 12 tháng và người chăm sóc chính tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong thời gian từ tháng 09/2021 - 09/2022. Kết quả: Có 75 trẻ phù hợp tiêu chuẩn nghiên cứu. 47,8% trẻ thuộc nhóm 1-5 tuổi, 91,1% bố mẹ là người chăm sóc trực tiếp. Trình độ học vấn người chăm sóc từ cấp 3 trở lên là 68,0%. Tiền sử trẻ có 24% co giật do sốt. Thời gian điều trị động kinh kéo dài đa số trên 2 năm 60%. Số bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt chiếm 84%. Tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa trình độ học vấn người chăm sóc đến mức độ tuân thủ điều trị (p < 0,05). Kết luận: Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị và tái khám khá cao. Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa trình độ học vấn người chăm sóc với tuân thủ điều trị.
#Động kinh kháng thuốc #tuân thủ điều trị.
Tổng số: 4   
  • 1